“Là NSƯT hay NSND thì Thúy Hường vẫn chỉ là một liền chị Quan họ mà thôi. Tình yêu Quan họ luôn cháy sáng trong trái tim mình, ngọn lửa đam mê ấy sẽ không bao giờ tắt…”. Đó là điều chị hai Thúy Hường chia sẻ sau khi chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân - một phần thưởng thiêng liêng và cao quý, đánh dấu quá trình hoạt động nghệ thuật không mệt mỏi của liền chị nổi tiếng đất Quan họ.
Mong sao công chúng không quên mình
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng trong căn hộ yên bình ở khu đô thị mới An Huy (thành phố Bắc Ninh), không áo mớ ba mớ bảy, không khăn mỏ quạ, nón thúng quai thao... Mái tóc dài buộc cao lộ khuôn mặt trái xoan thanh thoát và đôi mắt sắc dao cau, nhìn Thúy Hường trong trang phục hàng ngày vẫn thấy rõ vẻ đẹp đằm thắm, nét duyên ngầm “đặc sệt” liền chị Quan họ.
Chị hai Thúy Hường chia sẻ: Danh hiệu NSND là một phần thưởng cao quý và thiêng liêng mà bất cứ người nghệ sỹ nào cũng mong muốn đạt được nhưng dù thế nào, là NSƯT hay NSND thì Thúy Hường vẫn chỉ là một liền chị Quan họ mà thôi. Hường luôn nghĩ rằng đây không phải là phần thưởng của riêng mình mà là của tất cả những người nghệ sỹ đã và đang hoạt động trong lĩnh vực Dân ca Quan họ. Đó là phần thưởng chung mà Hường chỉ là người may mắn, có duyên được đại diện cho cộng đồng Dân ca Quan họ Bắc Ninh đón nhận.
25 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc về Dân ca Quan họ Bắc Ninh, đồng hành bên liền chị Thúy Hường luôn có sự tin yêu của công chúng khán giả và nhân dân. Có những giai đoạn chị phải làm đủ nghề để được sống với tình yêu quan họ của mình. Và sự nhọc nhằn ấy với biết bao cố gắng, nỗ lực miệt mài, niềm đam mê và những cống hiến của chị đối với Dân ca Quan họ đã được ghi nhận bằng phần thưởng cao quý – NSND. Với chị, danh hiệu NSND là món quà ý nghĩa nhất mà chị muốn bày tỏ sự đền đáp, tri ân với các cụ nghệ nhân, bạn bè, người thân trong gia đình, xứng đáng với niềm tin yêu của công chúng cũng như xứng đáng với những giá trị của Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Chị tâm sự: Mình hạnh phúc nhất là có được tình yêu mến của khán giả. Chính nhờ có sự động viên, cổ vũ và tình yêu của khán giả nên đã giúp mình vượt qua được cơn nguy kịch khi bệnh tật ập xuống trong một chuyến biểu diễn xa nhà. Mình sẽ phải gắng sức cống hiến nhiều nữa cho Quan họ như cách để đáp trả những ân tình đó và mong sao công chúng sẽ không quên mình”.
Chỉ một tình yêu…Quan họ
NSND Thúy Hường mê dân ca từ bé. Niềm đam mê đó được bắt nguồn từ người mẹ. Chị kể: Mẹ mình có một chất giọng rất hay và vang như chuông. Từ nhỏ, mình đã được nghe mẹ hát rất nhiều các làn điệu dân ca, nó cứ thấm dần và thấm đẫm vào mình như thế. Học hết lớp 12, Thúy Hường thi đỗ vào Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc, khoa Dân ca Quan họ. Mình đam mê Quan họ đến mức đã thích bài nào là phải học thuộc và hát bằng được chứ không bao giờ bỏ lửng… Năm 1987, tốt nghiệp ra trường, chị được tuyển ngay về làm diễn viên chính thức của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Năm 1988, Thúy Hường được tham gia đóng vai nữ chính Giáng Hương trong vở ca kịch Quan họ “Chuyện tình Tiên Du”. Năm 1992, chị được chọn tham gia giọng hát hay đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt HCB. Kể từ năm ấy, trung bình mỗi năm Thúy Hường được ra nước ngoài khoảng 4-5 lần để biểu diễn quảng bá văn hóa Quan họ. Và niềm đam mê, tình yêu Quan họ cứ nhân lên từ đó với một lòng thủy chung như nhất, trọn vẹn.
Công chúng từng thấy Thúy Hường khá thành công với nghệ thuật điện ảnh. Chị đã có ba vai diễn để đời như: Tần trong “Ngã ba Đồng Lộc”, Di trong “Đầm hoang” và xuất sắc nhất là vai Ngữ trong “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Sau đó, Thúy Hường cũng nhận được nhiều lời mời đóng phim nhưng chị đều từ chối. Với Thúy Hường, chỉ có một tình yêu duy nhất là Quan họ. Chị cũng hiểu, chỉ có Dân ca Quan họ mới giúp Thúy Hường định vị tên tuổi của mình bền vững trong lòng công chúng.
Thúy Hường yêu tất cả những gì thuộc về Quan họ, từ chiếc nón quai thao, cái khăn mỏ quạ cho đến lời ca, giọng nói, cách giao tiếp ứng xử trong lối chơi, lối sống của người dân các làng Quan họ. Tình yêu Quan họ còn mãi trong chị và ngọn lửa đam mê ấy lúc nào cũng cháy sáng như thủa ban đầu. Chị luôn cảm thấy chưa làm hết những điều mong muốn đối với Dân ca Quan họ. Chính vì vậy, khi trở thành NSND, Thúy Hường hiểu trách nhiệm nặng nề hơn vì đây là bước khởi đầu của một chặng đường mới để tiếp tục sự nghiệp gìn giữ, bảo tồn, phát huy và truyền bá Dân ca Quan họ.
Đầu năm nay, Thuý Hường đã chuyển công tác sang làm giáo viên ở trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh để có thêm điều kiện truyền lửa, truyền đam mê và phong cách văn hóa Quan họ đến các thế hệ học sinh. Hiện tại, chị luôn chú ý chăm lo sức khỏe, luôn tươi tắn để làm thật tốt vai trò truyền dạy đồng thời vẫn có thể tiếp tục đi biểu diễn phục vụ khán giả, mãi xứng đáng với sự ghi nhận của Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét